Tất nhiên, hàng ngày người tiêu dùng hồn nhiên sử dụng mà không hề hay biết về chất lượng, chỉ đến khi các cơ quan chức năng công bố sản phẩm này, sản phẩm kia đã vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cấm lưu hành… thì người tiêu dùng mới biết.
Hiểm họa từ các chất phụ gia
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc dùng hương liệu kém chất lượng để chế biến thực phẩm, đồ uống có thể dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, gây dị ứng, ngứa ngáy, lở loét. Thậm chí, một số loại cồn, kim loại nặng trong dung môi hoặc chất độn của hương liệu còn có thể gây ung thư… Hay hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/lít, trong trường hợp sản phẩm có chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn. Chỉ cần hàng ngày cơ thể hấp thụ từ 1 mg chì trở lên, sau một vài năm, sẽ có những triệu chứng: Hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin, phụ nữ dễ bị sảy thai. Đặc biệt nhiễm độc chì rất nguy hiểm cho trẻ em. Vì vậy, các nhà sản xuất cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định hàm lượng chì trong ngưỡng cho phép trong các sản phẩm nước có màu...
Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ em càng tiêu thụ nhiều nước ngọt có ga, đồng nghĩa với nạp không ít lượng đường đôi, đường đơn vào cơ thể. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đường đôi, đường đơn chỉ nên chiếm không quá 5% năng lượng trong một ngày của mỗi người. Không chỉ nguy hiểm ở việc nạp nhiều đường mà trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu... Bởi hiện chế độ ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam hầu hết vẫn chưa đáp ứng được lượng canxi cần thiết, lại thêm uống nhiều nước ngọt có ga khiến việc đào thải canxi nhanh, càng khiến trẻ thiếu canxi, dẫn đến còi xương, chậm lớn, hạn chế phát triển chiều cao…
Người tiêu dùng lãnh hậu quả
Theo các chuyên gia, an toàn thực phẩm phải xem là đạo đức của nhà sản xuất, là lương tâm của nhà quản lý đối với cộng đồng. Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài, đứng trước một cuộc khủng hoảng về chất lượng sản phẩm, điều đầu tiên là xác minh sự thật, sau đó đứng ra xin lỗi người tiêu dùng và tìm cách khắc phục những sai lầm yếu kém của mình.
Thậm chí, tiêu hủy hàng loạt sản phẩm hư hỏng không đạt chuẩn an toàn dù thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, nhưng họ lại giữ được “chữ tín” dám chịu trách nhiệm sản phẩm của mình đến cùng. Kể cả việc phải bồi thường số tiền lớn cho khách hàng không may dùng phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng mà họ sản xuất ra.
Trong khi đó, ở Việt Nam các doanh nghiệp thì tìm cách lấp liếm, che đậy thông tin, hoặc hành xử thiếu thuyết phục, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Như cách nói của một chuyên gia: “Khách hàng là thượng đế” đang dần bị nhạt phai, mà thay vào đó là lợi nhuận bằng mọi giá của doanh nghiệp, bất chấp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chúng ta đều công nhận một thực tế rằng, nước ngọt đóng chai có ga không phải là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người tiêu dùng không biết rõ một cách đầy đủ các tác hại của nước ngọt và sự hủy diệt nó gây ra cho cơ thể mỗi người. Một số phát hiện khoa học gần đây về nước ngọt đóng chai cho thấy, nếu uống thường xuyên, bạn có thể đang đưa các bệnh không mong muốn vào cơ thể – hầu hết các chất độc hại đó chính là đường và đường chính là tác nhân chính gây ra các rối loạn cơ thể...
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng chỉ lựa chọn sử dụng các sản phẩm đã được công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP, xem nhãn mác với đầy đủ các nội dung như tên sản phẩm, tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo...
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/an-hoa-tu-nuoc-dong-chai-co-ga-2152226.html